Dù có làm mẹ lần đầu hay lần 2, lần 3, con ốm vẫn là nỗi ám ảnh của bất cứ mẹ bỉm nào. Chúng ta đều luống cuống, mất bình tĩnh mỗi khi con nóng sốt, đi viện. Vậy, làm sao để xây dựng hệ miễn dịch cho con khỏe mạnh, hạn chế dùng thuốc và chủ động xử lí đúng vấn đề của con, bài viết này sẽ bật mí cho mẹ một bí mật.
Những đứa trẻ lớn lên không ốm là mơ ước của tất cả những mẹ bỉm
Không ai tự dưng biết chăm con, hiểu con. Con đến chính là dạy phụ nữ chúng ta cách làm mẹ. Ngoài bản năng, mẹ cũng nên trang bị kiến thức cho mình để hiểu hơn về con, hiểu những vấn đề mà bất cứ đứa trẻ sơ sinh nào cũng gặp phải để nhận biết và xử lí đúng cách, kịp thời.
Ngoài tra gu gồ, mẹ có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi người, từ đọc sách, đọc tài liệu… Trong đó, đọc sách – chính là cách để mẹ được “thấm” kiến thức một cách lâu nhất. Mẹ có thể ghi nhớ, lưu trữ và sử dụng lâu dài.

“Những đứa trẻ lớn lên không ốm” của Dược sĩ Trương Minh Đạt chính là cuốn sách mà bất cứ mẹ bỉm nào cũng một vài lần đọc qua. Sách nhận được lượt review top đầu trong những cuốn sách về nuôi dạy con cái xuất hiện rất nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.
Cũng như nội dung của tựa đề, sách đề cập phần lớn tới các vấn đề liên quan đến đề kháng của một đứa trẻ: Hướng dẫn tăng đề kháng; Kiến thức về sử dụng thuốc kháng sinh cho con; Nhận biết các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa của trẻ…
Chúng ta biết rằng đề kháng chính là “rào chắn” giúp cơ thể tránh bị virus, vi khuẩn có hại xâm nhập. Trong thời điểm các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát, thời tiết hay thay đổi thì một em bé khoẻ mạnh có hệ miễn dịch tốt khi tiếp xúc với đám đông sẽ ít mắc bệnh hơn, hoặc khi mắc thì diễn biến bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.

Tuy nhiên, nhiều mẹ thường chủ quan, không chú trọng đến việc bảo vệ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ khi con còn khỏe. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi khi hệ miễn dịch suy yếu, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển của bé.
Cuốn sách nhấn mạnh, đề kháng của con là phải được xây dựng hàng ngày, chứ không phải đợi khi bé ốm mới chú ý đến nó.
Thói quen khiến đề kháng của con càng yếu
Không ít mẹ đến khi con ốm mới lo lắng tìm các thuốc bổ cho con uống với hy vọng con mau khỏe. Con lười ăn mua siro, cốm ăn ngon cho con ăn với mong muốn con ăn ngon trở lại. Mà đâu biết, con lười ăn chỉ là biểu hiện ra bên ngoài, nó cho thấy tiêu hóa của con đang có vấn đề mà thôi.
Một đứa trẻ muốn có sức đề kháng tốt thì cần phải được chăm sóc tốt, ăn đủ, ngủ đủ và vận động đủ. Nếu cứ trằn trọc, ngủ không được sâu giấc thì hormon tăng trưởng không được tiết ra tối đa, ảnh hưởng tới phát triển thế chất và trí não. Cũng như việc con lười ăn, ăn được nhưng không hấp thu được thì cơ thể không đủ dinh dưỡng, năng lượng, nhất là trong giai đoạn phát triển nhảy vọt những năm đầu đời.
“Con viêm họng lần đầu em cho đi khám. Nhưng sau đó cứ tái lại em sẵn đơn thuốc cũ đó ra hiệu thuốc nhờ họ bán cho những thuốc trong đơn. Trộm vía lần đầu con uống thì đỡ, nhưng 2-3 lần sau cũng dùng đơn thuốc đó nữa thì con lại không khỏi, có lần còn bị viêm tai giữa, viêm phế quản luôn.

Sau này em mới cẩn thận hơn, con ốm sốt đến ngày thứ 2, thứ 3 là đã đưa con đi khám. Không dám dùng đơn thuốc cũ và cũng không dám tự ý mua kháng sinh cho con uống nữa”, chị Hoa chia sẻ.
Đôi khi việc thiếu kiến thức cộng với bất cẩn cũng có thể khiến tình trạng của con thêm tệ hơn. Đọc “Những đứa trẻ lớn lên không ốm”, mẹ sẽ vỡ ra được nhiều thứ “à thì ra là vậy”; “thế mà em cứ tưởng…”…
Việc dùng thuốc bừa bãi hiện nay, nhiều mẹ vẫn còn thói quen kể triệu chứng và bốc thuốc. Không ít mẹ mang về cả nắm thuốc kháng sinh xanh đỏ tím vàng, cho con uống được 3 ngày thấy đỡ là dừng thuốc cho đỡ hại người mà không hề biết rằng như thế càng hại con hơn.
Đọc quyển sách mới thấy rằng, mẹ mình đã vô tâm với đề kháng của con như thế nào. Nhiều mẹ chỉ muốn con khỏe, con ít ốm nhưng lại thờ ơ tới đề kháng/miễn dịch của con. Hoặc chăm sóc không đúng cách, cho con dùng sai thuốc, không chú ý tới giấc ngủ và dinh dưỡng của con… cũng khiến con dễ ốm ngay cả khi thời tiết thay đổi.
Trang bị kiến thức cho mình chính là cách để chăm sóc con khỏe mạnh. Con khỏe mạnh thì mẹ mới nhàn, con mới mau lớn.